Chi tiết khe chân tường : Hướng dẫn cách làm ĐƠN GIẢN VÀ CHI TIẾT (phù hợp Việt Nam)

Đăng bởi Kiến Trúc & Nội Thất Smallhome
30/07/ 2020
1626 lượt xem

Khe chân tường là 1 chi tiết cực kì được ưa chuộng trong kiến trúc hiện đại, tuy nhiên lại rất ít có tài liệu tiếng Việt nói về nó.

Qua quá trình nghiên cứu và làm việc với các KTS, SMALL HOME đã đúc rút các kiến thức thành bài viết này. Rất mong các bạn có thể áp dụng để làm ra được công trình THÀNH CÔNG từ việc rút kinh nghiệm thất bại của những người đi trước.

Chúng ta cùng bắt đầu nhé!


Khe chân tường là gì?

Khe chân tường (còn gọi là chân tường âm, len âm chân tườngflush baseboard, reveal base board) là một chi tiết chân tường hiện đại với 1 khe hở nhỏ kết hợp với len chân tường (khe có len) hoặc không có len chân (khe sát sàn).

Tong-hop-chi-tiet-khe-chan-tuong

Chi tiết khe chân tường hiện đại

Đây là chi tiết kiến trúc hiện tạo khe bóng đổ (shadow gap) ở chân tường rất tinh tế và là xu hướng thiết kế mới rất được ưa chuộng.

Không giống như len chân tường truyền thống, chi tiết len chân tường kiểu mới này không bị nhô ra hoàn toàn phẳng mặt với tường (ốp chân tường chìm). Nhờ vậy các đồ nội thất có thể đặt phẳng mặt với tường (sát tường) và không cần phải sửa lại len chân khi bổ sung đồ nội thất mới.

Chan-tuong-giao-voi-do-noi-that-1

Đồ nội thất có thể kê sát tường mà không cần cắt bỏ len chân

Khe chân tường gần như phù hợp cho MỌI công trình mang phong cách hiện đại

Chi tiết 1: Khe chân tường có len

Bản vẽ chi tiết áp dụng cho tường – vách thạch cao

Chi-tiet-khe-chan-tuong-thach-cao-dung-len-san-gach

Bản vẽ chi tiết khe chân tường thạch cao dùng len ( không áp dụng cho sàn gỗ)

LƯU Ý: KHÔNG LÀM CHI TIẾT NÀY cho sàn gỗ giao với vách thạch cao. Nếu làm thì sẽ có rủi ro hở khe giữa sàn gỗ và vách .Vì gỗ co ngót nên phải để cách tường ít nhất 1cm . trong khi đó len chân này phải bằng mặt với thạch cao nên dày cũng 1cm -> không che được khe giữa gỗ với tường.

GIẢI PHÁP: Nếu bạn vẫn muốn làm sàn màu gỗ -> có thể thay bằng sàn gạch giả gỗ hoặc sàn nhựa vân gỗ.

Đây là chi tiết GỐC mà chúng ta hay thấy ở các công trình nước ngoài. Hầu như 99 % các hình ảnh chúng ta thấy trên mạng đều có cấu tạo như thế này!

chi-tiet-khe-chan-vach-thach-cao-minh-hoa

Minh họa chi tiết khe chân vách thạch cao có len chân tường

Vì bản thân tấm thạch cao đã phẳng sẵn nên khi thi công nẹp và len chân tường khá dễ dàng: chỉ việc ốp vào – bắn ghim là xong!

Tuy nhiên công trình Việt Nam ít khi áp dụng được vì thường là cấu tạo tường xây trát vữa.-> Chúng ta sẽ chuyển qua trường hợp tường xây:

Bản vẽ chi tiết áp dụng cho tường trát vữa

chi-tiet-len-chan-tuong-khe-chan-tuong-co-len-chan

Chi tiết khe chân tường – sử dụng len chân

Cách làm chi tiết với tường gạch này khó hơn một chút so với tường thạch cao , vì phải trải qua bước trát tạo phẳng trước khi đóng len chân. Cách làm cụ thể như sau:

noi-that-mau-trang-su-dung-khe-chan-tuong-co-len

Nội thất màu trắng trở nên TINH TẾ hơn nhiều nhờ khe chân tường (có len chân)

5 bước thi công khe chân tường có len:

Bước 1: Chuẩn bị:

Lựa chọn loại nẹp tách khe phù hợp ( cho gạch dùng nẹp F-10, DF-10 . Còn gỗ dùng DF-1212 hoặc DF-15)

Len gạch thường cắt ra từ viên gạch thường nên cạnh không đẹp . Do đó ta dùng nẹp F-10 để che mép gạch, còn cạnh len gỗ cạnh thường được hoàn thiện đẹp nên dùng nẹp DF để “khoe” cạnh này.

CHÚ Ý: Len gỗ tối thiểu phải dày 12mm – 15mm để che được khe hở giữa sàn gỗ và tường (khoảng 10mm)

– Thống nhất cốt cao độ cán nềncao độ nẹp với cửa đi, cửa sổ (bước này rất quan trọng để thống nhất các hạng mục và đội thợ với nhau – tránh cãi vã sau này)

Bước 2: Gắn nẹp tách khe (trước khi trát tường)

buoc-2-gan-nep-tach-khe-vat-lieu

Bước 2 – Thi công gắn nẹp tách khe vật liệu

Chú ý dùng đèn laze rọi thẳng theo cao độ đã thống nhất ở bước 1.Sau đó đóng đinhcăng dây theo tia laze -> khi đó ta sẽ có cốt chuẩn để gắn nẹp.

luu-y-khi-gan-nep-khe-chan-tuong

Lưu ý: BẮT BUỘC bắn tia laze và căng dây – khi thi công nẹp khe

Bước 3: Trát tường và trát phần chân tường nền của len chân

buoc-3-Trat-phan-nen-cua-len-chan-tuong

Bước 3 – Trát phần chân tường nền của len chân

Đây là bước mà các thợ hay “ngại” nhất.

Phần tường sau này ốp len chân vào khá nhỏ nhưng chỉ cần chọn người thợ khéo léo 1 chút (hoặc bồi dưỡng thêm cho thợ) là công tác này sẽ được thực hiện “trôi chảy

Bước 4: Lát sàn

buoc-4-lat-san

Bước 4 – Lát sàn

Chú ý: phần lát sàn phải đúng cốt cao độ đã thống nhất. Nếu không, chân tường sẽ bị hở khe sau này

Bước 5: Dán len chân.

Chân gỗ hoặc gạch. Dùng súng đinh hoặc keo dán để thi công len chân

Bước này thì khá đơn giản vì không khác gì thi công len chân tường thông thường (kiểu lồi ra)

Khe-chan-tuong-o-cac-doan-giao-cat-1

Công đoạn dán len chân đòi hỏi thi công rất chính xác

CHÚ Ý: Tốt nhất là len chân được làm “dư” ra một chút và đến công trường thợ mộc bào bớt len cho ăn khớp 100% với sàn (vì sẽ có vài vị trí mà cốt sàn không phẳng ở bước 4).

(Có lẽ cũng cần phải “động viên” thợ mộc 1 chút để công việc suôn sẻ vì họ sẽ kêu ca thợ ốp lát làm ẩu)

Một vài lưu ý khi dán len chân:

Luu-y-thi-cong-len-chan-tuong

Cần chú ý cắt mòi: thi công len chân tường gỗ

Lưu ý về thi công theo kiểu “trát bù”:

Có thể nhiều người cho rằng quy trình làm tốt hơn sẽ là: trát tường để chừa lại phần tường không trát (từ sàn lên khoảng 20 – 30cm) -> lát sàn -> đóng len chân -> gắn nẹp và cuối cùng là trát bù

thi-cong-khe-chan-tuong-trat-bu

Minh họa thi công khe chân tường – kiểu trát bù sau

Cách làm đó cũng rất ổn và có vẻ dễ hơn (“an toàn” hơn) quy trình bên trên. Tuy nhiên nhược điểm là : Đoạn trát bù thường sẽ không chính xác (phần tường trát vị “hằn vết” giữa 2 lần trát)

Các chi tiết giao cắt và chuyển tiếp: giao khe khuôn cửa, khe chân thang

Ở trên chúng ta đã có lưu ý về vấn đề thống nhất cao độ. Điều này rất quan trọng ở vị trí giao cắt với các chi tiết khuôn cửachân thang.

Khe-chan-tuong-co-len-chan-ket-hop-khe-khuon-cua

Khe chân tường giao cắt với khe khuôn cửa hiện đại

Nếu làm tốt các chi tiết giao cắt ta sẽ được tổng thể “đồng bộ” – thống nhất – vuông vức và ăn khớp với nhau

Chi-tiet-khe-chan-tuong-va-khe-thang

Khe chân tường có len kết hợp với khe bậc cầu thang

Cả căn phòng nét căng ngay cả khi chưa kê đồ đạc gì vào

chi-tiet-khe-chan-tuong-chuyen-tiep-khe-thang

Chi tiết giao cắt chuyển từ khe chân tường – khe thang

Chi tiết 2: Chi tiết Khe chân tường không len (sát sàn)

Khe chân tường không len cho tường thạch cao

Chi-tiet-khe-chan-tuong-thach-cao-sat-san-gach

Chi tiết khe chân tường thạch cao sát sàn

Chi tiết này khá đơn giản và dễ dàng thi công nhưng vẫn mang đến hiệu quả bất ngờ.

LƯU Ý: KHÔNG LÀM CHI TIẾT NÀY cho sàn gỗ của vách thạch cao. Nếu làm thì sẽ có rủi ro hở khe giữa sàn gỗ và vách thạch cao .Vì gỗ co ngót nên phải để cách vách ít nhất 1cm . trong khi đó khe chân này cũng dày 1cm (bằng chiều dày tấm thạch cao + lớp bả) -> không che được khe giữa gỗ với vách.

GIẢI PHÁP: Có thể thay thế sàn lát gỗ bằng sàn nhựa giả gỗ hoặc sàn gạch màu vân gỗ.

Khe chân tường không len cho tường trát vữa

Chi-tiet-len-chan-tuong-khe-sat-san-gach

Bản vẽ chi tiết khe chân tường sát sàn gạch (tường trát vữa)

CHÚ Ý: Chi tiết này chỉ làm với sàn GẠCH hoặc sàn nhựa (không dùng cho sàn gỗ). Để làm với sàn gỗ – xem hướng dẫn bên dưới

cong-trinh-dep-su-dung-nep-khe

Công trình đẹp sử dụng nẹp khe

Cách làm tương tự như chi tiết khe chân tường có len.

Tuy nhiên có thể làm theo cách: lát sàn trướcgắn nẹp + trát tường sau thì sẽ chính xác nhất . (vì khe chân tường sát sàn khá nhỏ và không có len chân bào đi để điều chỉnh như chi tiết có len bên trên)

Lưu ý làm khe sát sàn với sàn gỗ:

Chi tiết này vẫn áp dụng ở nước ngoài với sàn gỗ bình thường. Tuy nhiên ở Việt Nam thì sẽ có rủi ro hở khe giữa sàn và tường. (do gỗ sàn bị co ngót theo mùa – như đã nói ở trên). Nhưng vẫn có cách có thể làm được!

Chi-tiet-khe-sat-san-gach-tuong-trat-1-1

Chi tiết khe sát sàn gạch – đục thêm vào tường gạch 1-2cm

Cách làm như sau:

  • Đục sâu vào tường gạch khoảng 1-2cm: Đục hẳn vào phần gạch 1-2 cm. Đây là “khe thở” cho gỗ co ngót sau này
  • Làm sạch phần đục: Tẩy sạch các bụi bẩn và vụn gạch rơi ra. Có thể trát tạo khe cho vuông vắn
  • Gắn nẹp tách khe theo đúng cốt cao độ: Chú ý làm sạch phần vữa thừa gắn nẹp rơi ra. Không để chèn vào khe đã đục ở bước 2
  • Trát tường như bình thường
  • Lắp sàn gỗ: Đưa sàn gỗ vào khe. Chú ý với sàn có khóa sập thì phải đủ chiều cao len mới sập xuống được.

(Đây là chia sẻ của kts. Nguyễn Hồng Quang – Toob studio : từ kinh nghiệm thực tế đã thi công tại công trường.)

CHÚ Ý: Trường hợp tường không đục được hoặc vách – cột bê tông thì dùng cách trát tường dày 2cm. Sử dụng nẹp DF10 (khe 1cm). Và phần bên dưới nẹp ta không trát -> như vậy sẽ còn 1cm từ nẹp vào tường kết cấu để cho gỗ co ngót.

Chi tiết 3: Chi tiết chân tường phẳng – không có khe (chân tường chìm)

Đây là ý tưởng rất phổ biến: Chân tường phẳng không có khe, còn gọi là “ốp chân tường chìm”

Op-chan-tuong-chim

Chi tiết ốp chân tường chìm với len gỗ và len gạch

Cách thi công thường thấy:

  • Trát tường để chừa lại khoảng 30 -40cm ở chân tường
  • Ốp gạch chân tường (bằng mặt với cốt tường phẳng bên trên)
  • Trát bù.

thi-cong-chan-tuong-chim-trat-bu

Thi công chân tường chìm trát bù sau

Nhược điểm cách này là 2 lớp trát (lớp trát đầu tiên và lớp trát bù sau này) thường không ăn khớp với nhau và xảy ra tình trạng “hằn vết” khi chuyển tiếp giữa 2 lớp trát (dù thợ có làm khéo léo đến đâu)

trat-bu-chan-tuong-chim

Cách trát bù khi ốp chân tường chìm có nhược điểm bị “hằn vết”

Những vấn đề thường gặp khi áp dụng chi tiết khe chân tường ở Việt Nam:

Vấn đề 1: Thợ bàn lùi – ko chịu làm

Vì chi tiết này họ chưa làm bao giờ nên thường bàn lùi. Cần “bôi trơn” một chút (động viên bằng tinh thần và vật chất – bồi dưỡng thêm công) là mọi việc “trôi” ngay!

Vấn đề 2: Thợ không thi công không đúng quy trình (không dùng laze, chuẩn cao độ)

Muốn làm đep hiển nhiên là phải khó

Cần quán triệt thi công bằng phương pháp căng dây và rọi laze là bắt buộc (cho mọi hạng mục công trình – dù có làm chi tiết này hay không)

Vấn đề 3: Lo ngại về việc: khe chân tường là nơi đọng bụi – khó vệ sinh !

Lo lắng này hơi quá! vì nếu để ý kĩ trong nhà có rất nhiều khe kẽ khác: giữa tủ với tường, giữa các cánh tủ, ngăn tủ….v..v… Thậm chí các vị trí đó còn khó vệ sinh hơn nhưng chẳng phải chúng ta vẫn làm sạch được đó thôi!

Vấn đề 4: Lo ngại về việc bẩn chân tường khi quét nhà (với chi tiết khe chân tường sát sàn)

Lo ngại này là hợp lí và chính đáng.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở một khía cạnh khác:điều này phụ thuộc vào việc oshin có cẩn thận không?

Vì có rất nhiều vị trí tương tự sẽ phải lau dọn “đặc biệt” kiểu này: các đồ quý giá. Thảm đắt tiền, sofa da đắt tiền. Nếu những vị trí đó mà oshin nhà bạn làm tốt thì CHẮC CHẮN họ sẽ biết cách lau sàn, quét nhà mà ko bẩn lên chân tường.

Rõ ràng là: Ăn chơi thì phải tốn kém rồi.


Kết luận

Đằng sau 1 chi tiết đẹp là rất nhiều công sức phải bỏ ra. Tuy nhiên kết quả vô cùng xứng đáng:

  • Len chân tường phẳng mặt với tường với khe chân tường đem lại vẻ đẹp thanh lịch, hiện đại và tối giản cho ngôi nhà.
  • Tạo ra hiệu quả “sạch sẽ”, sắc nét cho không gian nội thất hiện đại

Chúc các bạn thành công với chi tiết len chân tường này và có 1 công trình đẹp – nét căng.

Hãy gọi điện cho SMALL HOME để được tư vấn TẬN NƠI và nhận mẫu MIỄN PHÍ!

Gọi ngay Hotline : 0902.101.000

Để lại nhận xét của bạn

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN THIẾT KẾ

Yêu cầu tư vấn của Bạn sẽ được gửi tới Kiến Trúc Sư SmallHome sẽ trả lời sớm nhất có thể thông qua Email, điện thoại.

Gợi ý viết yêu cầu: Địa chỉ khu đất, diện tích đất, mặt tiền, chiều dài. Loại hình bạn lựa chọn (biệt thự, nhà phố …) Bạn định xây mấy tầng. Mỗi tầng bạn yêu cầu các phòng nào, không gian nào. Số tiền dự kiến ...