Để sơn tường nét và mịn là điều không dễ dàng bởi nếu thợ không có kỹ thuật và tay nghề cao sẽ khó tạo nên lớp sơn hoàn hảo. Dưới đây là 10 lỗi thường gặp khi sơn nhà và cách khắc phục chúng. Cùng Smallhome tìm hiểu thôi nào.
1. Màng sơn bị rỗ
Màng sơn bị rỗ có hai trường hợp, thứ nhất là màng sơn có lẫn hạt, thứ hai là màng sơn có lỗ.
Nguyên nhân có thể là do :
Trường hợp có lẫn hạt : Do có lẫn những vẩy hoặc những mẩu sơn khô. Vì sơn bị khô trên thành vật chứa sơn khi thi công hay do bụi bẩn bắn vào hoặc sau khi thi công lần trước không rửa thật sạch dụng cụ thi công, để các vảy sơn sót lại. Vệ sinh bề mặt không kỹ, để lại trên bề mặt nhiều bụi (sau khi xả nhám lớp mastic).
Trường hợp có lỗ : Do pha sơn quá loãng đã tạo ra nhiều bọt khí. Khi thi công thì bọt khí hiện diện trên màng sơn và khi sơn khô vỡ ra tạo thành lỗ. Nếu là sơn dung môi/ sơn dầu thì do xử lý bề mặt cần sơn không kỹ.
Cách khắc phục màng sơn bị rỗ :
Để khắc phục hiện tượng màng sơn bị rỗ nên xử lý bề mặt, vệ sinh tường sạch trước khi sơn. Để khô tường theo đúng khuyến nghị. Cuối cùng, sơn lại bằng cách quét 2 lớp sơn lót kháng kiềm và 2 lớp sơn hoàn thiện. Mỗi lớp sơn cách nhau ít nhất 2 giờ.
Màng sơn bị rỗ không những gây mất thẩm mỹ mà còn làm tổn hại đến tuổi thọ công trình
2. Lớp mastic (bột trét) bị bụi phấn
3 nguyên nhân dẫn đến việc lớp bột trét tường bị bụi phấn :
- Bề mặt tường quá khô, nước trong hỗn hợp nhão bị hút hết vào bề mặt. Do đó quá trình ninh kết (chín) của hỗn hợp không xảy ra nên lớp mastic biến thành bụi phấn.
- Dùng lượng nước quá thấp khi pha trộn cộng với việc trộn không đều cũng có thể gây ra hiện tượng trên.
- Có thể do khi pha trộn xong thi công ngay, không chờ hóa chất phát huy hết tác dụng.
Cách khắc phục lớp mastic bị bụi phấn :
Với hiện tượng này, gia chủ bắt buộc phải cạo bỏ hết lớp mastic này, làm sạch bụi bám bằng nước và chổi cọ. Chuẩn bị bề mặt thật kỹ không nên để bề mặt khô quá. Lượng nước pha trộn cần theo tỷ lệ nước 1: bột 3. Trộn hỗn hợp thật kỹ và chờ ít nhất 7 - 10 phút cho hóa chất phát huy tác dụng, sau đó khuấy lại một lần nữa rồi mới bắt đầu thi công.
3. Màng sơn bị nhăn
Sau khi màng sơn khô, có hiện tượng nhăn nheo, không mịn, phẳng, là lúc gia chủ cần nghĩ đến những lý do sau :
- Con lăn (roller) không thích hợp, có lông quá dài tạo nên bề mặt có vân lớn, sần sùi.
- Sơn quá dày hoặc không đều, chỗ dày, chỗ mỏng dẫn đến tình trạng sơn không khô cùng lúc.
- Sơn dưới trời nắng gắt, lớp bên ngoài khô quá nhanh, lớp bên trong chưa kịp khô nên bề mặt ngoài bị nhăn.
- Sơn xong gặp trời lạnh, nhiệt độ giảm đột ngột cũng làm cho lớp trong khô chậm, lớp ngoài khô nhanh.
Biện pháp khắc phục, phòng ngừa màng sơn bị nhăn :
- Tiến hành xả bỏ hoàn toàn màng sơn bị hỏng.
- Sơn nhiều lớp mỏng thay vì một lớp dày.
- Chỉ sơn lớp sau khi lớp đầu đã khô hoàn toàn.
- Sơn đúng độ dày, dùng dụng cụ lăn sơn thích hợp.
- Dùng đúng loại dung môi.
- Không thi công dưới thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
4. Màu sơn không đồng nhất
Dù chỉ dùng một loại màu sơn nhưng khi hoàn thiện công trình lại loang lổ, không đồng màu. Điều này được lý giải do các nguyên nhân dưới đây :
- Không khuấy đều thùng sơn trước khi lăn.
- Thợ thi công không đều tay.
- Dặm vá không khéo léo.
- Mỗi lần thi công, sơn được pha loãng với tỉ lệ khác nhau.
Cách khắc phục màu sơn không nhất :
Để không còn hiện tượng này, khi pha sơn phải chú ý quấy đều. Tỷ lệ pha sơn đúng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Và cuối cùng khi sơn phải lăn đều tay.
Hình ảnh sơn không đều màu dù chỉ dùng một màu xanh duy nhất
5. Sự phấn hóa
Sau khi hoàn thiện, bề mặt màng sơn có bột trắng (dạng phấn) rất mất thẩm mỹ là do:
- Dùng sơn kém chất lượng, tỷ lệ chất độn/ chất tạo màng cao.
- Tia tử ngoại và thời tiết xấu ảnh hưởng đến màng sơn.
- Sơn pha loãng quá làm giảm độ kết dính.
Khắc phục sự cố sơn bị phấn hóa :
Cách khắc phục trường hợp này là ngay từ khi chọn mua sơn, các gia chủ lưu ý chọn những loại sơn của các nhà sản xuất uy tín, chất lượng và pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn sử dụng.
6. Màng sơn bị chảy
Hiện tượng bề mặt sơn không bằng phẳng, màng sơn bị chảy có thể là do những nguyên nhân sau :
- Vệ sinh bề mặt sơn không kỹ, còn sót lại nhiều bụi của lớp mastic.
- Pha sơn quá loãng.
- Tay nghề thi công kém.
Pha sơn quá loãng là một trong những nguyên nhân khiến màng sơn bị chảy
Biện pháp khắc phục màng sơn bị chảy :
- Pha dung môi theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nếu bề mặt cần sơn quá nhẵn, phải xả nhám trước khi sơn.
- Sử dụng sơn chất lượng tốt.
- Sơn đúng phương pháp, kỹ thuật.
- Nếu sơn còn ướt, loại bỏ lớp sơn ướt, làm sạch bề mặt đạt yêu cầu thi công và sơn lại bằng sơn chất lượng tốt.
- Nếu màng sơn đã khô, phải xả nhám, làm sạch bề mặt đạt yêu cầu thi công và sơn lại bằng sơn chất lượng tốt.
7. Màng sơn bị muối hóa
Khi bề mặt màng sơn có một lớp trắng như muối, nhất là ở màu sơn đậm, bạn cần nghĩ đến việc màng sơn đã bị muối hóa.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do thi công trên mặt tường mới và ẩm. Hoặc sự hình thành muối canxi CaCO3 do ẩm và mưa đọng lại trên bề mặt màng sơn.
Để xử lý hiện tượng này, gia chủ cần lưu ý :
- Nếu hiện tượng muối hóa sinh ra do hơi ẩm từ trong tường thoát ra, phải xử lý triệt để nguồn ẩm như các vết nứt, rò rỉ nước từ mái, máng xối…
- Để tường khô cho hơi nước thoát ra và đảm bảo độ ẩm đạt yêu cầu thi công.
- Đối với vùng giáp biển cần chú ý kiểm tra nước sử dụng cũng như vật liệu rõ nguồn gốc trước khi thi công.
- Xử lý triệt để các vết nứt, khe nứt, thấm trước khi thi công.
- Sử dụng sơn lót kháng kiềm chất lượng cao để ngăn hiện tượng muối hóa.
Đối với tường đã bị kiềm hóa, cách tốt nhất là cạo bỏ hoàn toàn lớp sơn cũ, xả nhám bề mặt, để khô 4-6 tuần, xử lý các tác nhân bụi, mỡ muối… Sau đó sơn lót kháng kiềm lại + sơn cách lớp hoàn thiện.
8. Màng sơn có độ phủ kém
Khi bề mặt màng sơn không che phủ hết lớp nền là lúc ta phải nghĩ tới việc màng sơn có độ phủ kém.
3 nguyên nhân chính dẫn đến việc này :
- Pha sơn quá loãng.
- Sử dụng loại sơn kém chất lượng.
- Thi công không theo đúng quy trình, tay nghề thi công thấp, lăn không đều.
Biện pháp khắc phục sơn có độ phủ kém :
- Nếu bề mặt cần sơn có màu sắc quá đậm hoặc bề mặt tường có nhiều hoa văn, tông màu có độ che phủ thấp, phải sơn 1 lớp sơn lót thích hợp trước, sau đó sử dụng sơn phủ chất lượng cao để che phủ và dàn phẳng tốt.
- Sử dụng đúng dụng cụ thi công và chất lượng tốt.
- Pha dung môi đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
9. Màng sơn bị bong tróc
Sau khi khô, màng sơn bị bong tróc, có thể tróc toàn bộ lớp màng hoặc tróc 1 hay hơn hơn 1 lớp màng. Nguyên nhân là do :
- Xử lý bề mặt không tốt, còn bụi bám, các chất làm giảm độ bám dính như dầu, mỡ, sáp…
- Thi công không đúng cách, không sử dụng sơn lót.
- Màng sơn bị phồng rộp hoặc phấn hóa.
- Thi công khi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, nhiều gió làm cho màng sơn bay hơi quá nhanh.
Giải pháp khắc phục sơn bị bong tróc :
- Vệ sinh kỹ bề mặt để loại bỏ toàn bộ bột bụi.
- Ngăn ngừa mọi nguồn nước ngấm, rò rỉ.
- Sử dụng sơn lót, sơn lại bằng sơn phủ.
10. Màng sơn bị rêu mốc
Sau khi khô, trên màng sơn xuất hiện những đốm, vết mốc đen, xanh… Điều này được lý giải do các nguyên nhân dưới đây:
- Bề mặt cần sơn bị ẩm.
- Bề mặt cần sơn đã bị mốc sẵn mà không để ý.
- Sơn quá mỏng hoặc chỉ sơn 1 lớp không đủ chất lượng chống mốc cần thiết.
- Dùng sơn nội thất để sơn ngoại thất.
Tường bị rêu mốc gây mất thẩm mỹ cho công trình
Biện pháp phòng ngừa sơn bị rêu mốc :
- Bảo đảm bề mặt tường đạt độ khô cần thiết (độ ẩm dưới 16% hoặc chờ tường khô 21-28 ngày ở điều kiện bình thường với nhiệt độ trung bình 30 độ C và độ ẩm trung bình 80%).
- Xử lý chống thấm các khu vực dễ ngấm ẩm như lan can, bồn hoa, chân tường…
- Sử dụng sơn có khả năng chống rêu mốc, vi sinh tốt.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn thi công (tỷ lệ pha nước, điều kiện thời tiết, thời gian chờ giữa các lớp sơn…).
Biện pháp khắc phục sơn bị rêu mốc :
- Cạo bỏ lớp sơn bề ngoài để cho hơi ẩm trong tường bay hết, khô đủ mức yêu cầu.
- Xử lý triệt để các nguồn gây ẩm (vết nứt, nơi có độ ẩm cao…).
- Sử dụng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc để xử lý lớp rêu mốc trên trường. Làm vệ sinh sạch sẽ.
- Tiến hành sơn lại theo quy trình.
Nhìn chung, để không xảy ra các lỗi sơn tường trên, gia chủ cần lưu ý tuân thủ đúng các hướng dẫn về làm sạch bề mặt, thi công và nhất là lựa chọn loại sơn chất lượng tốt. Trên đây là 10 lỗi thường gặp khi thi công sơn tường nhà và cách khắc phục, hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức tốt.