Những cách thiết kế ánh sáng giúp mở rộng không gian nhà

Đăng bởi Kiến Trúc & Nội Thất Smallhome
28/05/ 2021
673 lượt xem

Một trong số những khía cạnh cốt yếu nhất trong thiết kế nội thất chính là ánh sáng – yếu tố có thể tạo ra (hoặc cũng có thể phá vỡ) không gian bố trí nội thất với bất kỳ kích thước hay vật liệu nào. Ánh sáng trở nên đặc biệt quan trọng trong những không gian chật hẹp hay đông đúc, có thể giúp chúng ta cảm thấy rộng hơn, thoáng đãng hơn trong khi sự thật là diện tích vẫn không hề thay đổi. Ngược lại, việc thiết kế ánh sáng không tốt có thể khiến những không gian rộng rãi dường như bị nhỏ hẹp lại, chật chội hơn so với diện tích thực.

thiết kế ánh sáng giúp mở rộng không gian nhà ở

Để không gian nội thất được chiếu sáng hợp lý và tạo cảm giác rộng thoáng, các kiến trúc sư có thể dựa vào rất nhiều phương pháp quen thuộc để tận dụng tối ưu không gian. Từ việc thiết kế chính xác các mảng sáng tối, đặt các loại ánh sáng ở các vị trí phù hợp nhất, hòa hợp với các yếu tố khác để tất cả tạo nên tổ hợp ánh sáng hiệu quả, có tính thẩm mỹ cao. Dưới đây là gợi ý 10 cách thiết kế ánh sáng giúp “mở rộng” không gian nhà ở hiệu quả, gia chủ có thể tham khảo và áp dụng.

1. Sử dụng nhiều nguồn sáng đa dạng

sử dụng nhiều nguồn sáng đa dạng

Nên bố trí nhiều nguồn sáng khác nhau trong 1 căn phòng để đạt được hiệu quả chiếu sáng tốt nhất

Nhiều căn hộ chung cư thường mắc phải sai lầm khi chỉ chiếu sáng phòng với một cái đèn trần duy nhất ở giữa. Loại đèn này kiến các góc tường bị sấp bóng, ánh sáng trong phòng không đồng đều tạo cảm giác phòng bị chật hơn và thậm chí còn gây căng thẳng cho mắt. Thay vì chỉ sử dụng một đèn trần, các gia chủ nên dùng nhiều nguồn ánh sáng đa dạng, phân bổ khắp cả phòng. Chức năng, kích thước và thiết kế của từng căn phòng sẽ cần những kiểu đèn được bố trí với cường độ sáng khác nhau.

2. Bố trí ánh sáng ở các khu vực góc khuất, góc tường, góc nhà

bố trí ánh sáng ở các khu vực góc khất

Bất cứ góc tường, góc khuất nào cũng cần được chiếu sáng để không gian luôn rộng mở trong tầm mắt

Bóng tối thường gây ra cảm giác không gian chật hẹp hơn, trong khi ánh sáng giúp chúng ta cảm thấy rộng rãi hơn. Khi các góc nhà, góc tường bị khuất bóng, căn phòng dường như bị thu hẹp lại. Đèn ở các góc, dù là đèn trần hay đèn cây, cũng sẽ giúp đảm bảo toàn bộ mặt sàn của phòng được chiếu sáng, ít nhất cũng giúp ta luôn cảm nhận được diện tích thực của căn phòng.

3. Thiết kế các lớp ánh sáng

thiết kế các lớp ánh sáng

Không gian bừng sáng và rộng thoáng hơn nhờ việc thiết kế đầy đủ tích hợp cả 3 lớp ánh sáng

Đèn chiếu sáng trong góc hay đèn trần thường được xếp vào loại “chiếu sáng chung”. Tuy nhiên, những người thiết kế thường áp dụng 3 loại chiếu sáng khác nhau: chiếu sáng chung, chiếu sáng điểm và chiếu sáng nền. Nguồn chiếu sáng chung sẽ giúp căn phòng có độ sáng tốt, những nguồn chiếu sáng điểm lại giúp chúng ta nhìn rõ hơn vào các chi tiết đáng quan tâm cụ thể như bàn học hay bàn bếp. Còn chiếu sáng nền có chức năng trang trí nhiều hơn. Chiếu sáng từng lớp theo cách này giúp đảm bảo tất cả các nhu cầu về ánh sáng đều được đáp ứng. Do đó, khi phân bổ các nguồn sáng trong phòng, các kiến trúc sư và gia chủ nên tính toán cả 3 lớp ánh sáng này. Ví dụ như chiếu sáng điểm bao gồm chiếu dưới tủ bếp hay đèn trang trí trong phòng tắm. Chiếu sáng nền có thể là ánh sáng từ nến, đèn âm tường, âm trần hoặc đèn cây, đèn đứng trang trí.

4. Thêm ánh sáng từ đèn âm tường, âm trần

thêm ánh sáng từ đèn âm tường, âm trần

Đèn âm trần, âm tường không chỉ giúp không gian như cao, sâu hơn mà còn làm tăng tính thẩm mỹ cho căn phòng

Đèn âm có ý nghĩa rất quan trọng bởi chúng thực sự giúp không gian trở nên rộng hơn. Đèn âm là đèn được thiết kế, lắp đặt trực tiếp vào trong tường, trần nhà hoặc các bề mặt khác, chúng tạo ra thêm ánh sáng mà không mất chút diện tích lắp đặt nào. Những loại đèn này vô cùng hữu ích trong những căn phòng trần thấp, bởi đèn treo hay đèn không âm sẽ tạo cảm giác làm giảm chiều cao của trần. Bằng cách sử dụng đèn âm, kiến trúc sư và các gia chủ sẽ giúp tăng độ rộng thoáng của không gian, tạo ra sự khác biệt lớn trong các căn phòng nhỏ.

5. “Rửa” tường bằng ánh sáng

rửa tường bằng ánh sáng

Thiết kế ánh sáng “xóa bỏ” các bức tường ngăn giúp không gian rộng ra trông thấy

“Rửa” tường bằng ánh sáng có nghĩa là hướng ánh sáng rọi thẳng vào các bức tường trong phòng, hay nói một cách khác là chúng ta đang cố gắng xóa mờ đi những bức tường ngăn, giới hạn căn phòng để không gian rộng thoáng hơn. Cách này cũng được sử dụng để hướng ánh nhìn vào các điểm nhấn đặc biệt trong thiết kế, ví dụ như các tác phẩm tranh nghệ thuật hay kiến trúc. Đèn âm tường cũng là một cách để làm bừng sáng bức tường vô cùng hiệu quả. Một cách khác là lắp đặt hệ thống đèn rọi để điều chỉnh sáng chiếu vào tường một cách thủ công.

6. Sử dụng đèn treo thả từ trần nhà

sử dụng đèn thả từ trần nhà

Đèn treo thả không chỉ giúp độ cao trần như tăng lên mà còn tô điểm cho không gian thêm sang trọng

Việc điều hướng ánh nhìn không chỉ áp dụng khi chiếu sáng tường mà còn cần dùng để làm nổi bật trần nhà cao. Đèn treo thả sẽ thu hút sự chú ý lên phía trần nhà và do đó khiến khoảng không gian trần nhà như cao hơn. Đồ nội thất cao, kệ cao và đèn chiếu thẳng đứng cũng có thể dùng để ghi dấu độ cao của căn nhà.

7. Thiết kế đèn chiếu sáng cao và đèn chiếu sáng sâu

thiết kế đèn chiếu sáng cao và sâu

Mở rộng không gian cả về chiều cao, chiều sâu nhờ hệ thống đèn chiếu thích hợp

Như đã nhắc đến ở trên, đèn chiếu cao có thể được dùng để làm nổi bật độ cao của trần nhà hoặc làm trần nhà thấp trở nên cao hơn. Trong khi đó, chiếu sáng sâu bao gồm việc thêm đèn phía sau những đồ nội thất như tủ, hốc tường, màn hình hay các phần bảng, khung thông tin khác. Cách này không chỉ tạo ra ảo giác về chiều sâu, giúp không gian rộng hơn mà còn như được thiết kế một cách phức tạp hơn.

8. Lắp đặt đèn rọi

lắp đặt đèn rọi

Mở rộng không gian cả về chiều cao, chiều sâu nhờ hệ thống đèn chiếu thích hợp

Đèn chiếu rọi là một cách thức khác dùng cho những điểm cần quan sát gần và làm nổi bật. Những chiếc đèn này tích hợp nhiều điểm ưu việt như: nhỏ gọn, tiết kiệm không gian, linh hoạt, dễ dàng di chuyển. Đó là lý do tại sao chúng có thể đáp ứng cả yêu cầu chiếu sáng điểm và chiếu sáng chung, giúp căn phòng tràn ngập ánh sáng nếu chúng được bố trí một cách hợp lý.

9. Bổ sung gương hoặc các vật liệu phản chiếu khác

bổ sung gương hoặc vật liệu phản chiếu khác

Các vật liệu có tính chất phản phản chiếu giúp không gian như được “nhân đôi”

Sử dụng gương là cách vô cùng phổ biến giúp căn phòng cảm giác như rộng ra, bởi gương giúp nhân đôi không gian trong tầm mắt. Chúng phản chiếu ánh sáng, tăng cường độ sáng một cách tự nhiên và giảm bớt bóng tối. Gương càng lớn thì hiệu ứng càng rõ rệt. Tuy nhiên, sử dụng các vật liệu phản chiếu khác, không phải gương, cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. Ví dụ, các bề mặt bóng như sàn nhà được vệ sinh bóng loáng hay những vật dụng bằng thủy tinh cũng giúp phản chiếu ánh sáng, tăng độ sáng và điều chuyển ánh sáng phủ khắp căn phòng.

10. Sử dụng nội thất và tường sáng màu

Cuối cùng, đồ nội thất và những bức tường sáng màu có vai trò rất quan trọng giúp duy trì độ sáng và sự phản chiếu được tạo ra bởi tất cả các mẹo thiết kế ở trên. Việc này giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường hiệu quả của các nguồn sáng, trong khi tường, nội thất tối màu có thể hấp thụ độ sáng tăng thêm do việc phân bổ ánh sáng và các yếu tố phản chiếu.

sử dụng nội thất và tường sáng màu

Những gam màu sáng có vai trò rất quan trọng giúp làm tăng hiệu quả chiếu sáng mở rộng không gian

Cách thiết kế, bố trí ánh sáng trong nhà ở

Để không gian ngôi nhà có được ánh sáng hợp lý, đòi hỏi ngay từ đầu các kiến trúc sư phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố tự nhiên như hướng nhà, hướng gió, hướng mặt trời… để có thể lấy ánh sáng tự nhiên kết hợp hài hòa với ánh sáng nhân tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn có tác dụng về mặt trang trí không gian theo mục đích của mỗi người.

Đối với thiết kế chiếu sáng phòng khách

Phòng khách nên bố trí nhiều đèn lớn với cường độ ánh sáng mạnh hơn hoặc có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên qua cửa chính, giếng trời hoặc đèn chiếu sáng phòng khách giúp cho không gian sinh hoạt tiện nghi và đẹp. Để thiết kế ánh sáng phòng khách bạn có thể lựa chọn ưu tiên lấy ánh sáng từ mái nhà như bố trí giếng trời, thiết kế cửa sổ cho tầng áp mái, tầng lửng hoặc lấy sáng từ mái nhà bằng các ô kính nhựa thông minh đối với không gian nhà cấp 4, nhà ống, nhà phố bị hạn chế lấy ánh sáng từ các mặt bên.

Phòng khách dùng ánh sáng màu gì sẽ phụ thuộc vào màu sơn tường để có thể làm nổi bật màu sơn tường. Trường hợp phòng khách nhỏ hẹp có thể thiết kế ánh sáng phòng khách đẹp hơn nhờ vào việc tập trung xử lý chiếu sáng 1 bức tường của phòng khách và sử dụng các loại đèn âm trần.

Để tăng ánh sáng cho phòng khách nên lưu ý bố trí khoảng cách các bóng đèn đến tường bằng nhau.

Về cơ bản cách bố trí ánh sáng phòng khách nên tạo nhiều điểm sáng theo nhu cầu nhưng không nên thắp ánh sáng quanh tivi, gương, kính và cần ưu tiên ánh sáng tự nhiên, sử dụng đèn chùm để không gian thêm ấm cúng, tạo điểm nhấn.

Đối với hành lang, cầu thang

Thiết kế chiếu sáng hành lang, cầu thang thì nên dùng đèn áp trần để chiếu thẳng hoặc có thể sử dụng đèn vách để tăng độ uốn lượn, xinh đẹp cho cầu thang, hoặc sử dụng các loại ánh sáng gián tiếp là tốt nhất.

Thiết kế ánh sáng phòng ngủ

Phòng ngủ nên sử dụng các bóng đèn vàng tạo ánh sáng dịu nhẹ, đem lại cảm giác dễ chịu cho gia chủ. Nếu phòng ngủ kèm phòng học, làm việc thì nên chú ý lắp đặt các loại đèn chức năng cho vị trí bàn học. Hoặc cũng có thể dùng bóng đầu giường để khi muốn đọc sách, nhưng nên tránh cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến người khác.

Lưu ý đến việc bố trí thiết kế ánh sáng phòng ngủ cho trẻ sơ sinh, trẻ em cần có độ sáng thấp, tránh phòng ngủ nhiều ánh sáng quá mức khiến cho không gian quá sáng hay chiếu trực tiếp vào khu vực giường, gây ảnh hưởng tới mắt và giấc ngủ của trẻ.

Đối với phòng bếp, phòng ăn

Phòng ăn thường sử dụng ánh sáng vừa phải kết hợp ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo, cần bố trí nhiều cửa sổ thông thoáng, tạo cho phòng ăn cảm giác dễ chịu khiến cho gia chủ có thể ăn ngon miệng hơn.

Ánh sáng nhà bếp cần được thiết kế chu đáo bởi nó là nơi hội tụ các nhu cầu sinh hoạt ăn uống của cả gia đình. Việc lấy ánh sáng cho nhà bếp có thể ưu tiên ánh sáng tự nhiên nhưng cũng cần có các bố trí ánh sáng phòng bếp bằng đèn điện khi không có ánh mặt trời.

Vị trí bố trí ánh sáng phòng bếp hiện đại thường có tủ bếp không gắn sát sàn. Vì vậy có thể bố trí ánh sáng phòng bếp ở dưới chân bếp. Thêm vào đó, không gian phòng ăn cần được đảm bảo tiêu chuẩn ánh sáng vừa phải và lắp đặt đèn có thể điều chỉnh hắt lên, xuống khi cần.

Đối với phòng học, phòng làm việc

Thiết kế chiếu sáng phòng học, phòng làm việc ngoài tận dụng ánh sáng từ các cửa sổ để lấy sáng tự nhiên, nhưng thường khá chói nên đa phần là sử dụng các loại ánh sáng nhân tạo. Thiết kế ánh sáng trong phòng học, phòng làm việc nên lưu ý lắp đặt ánh sáng chiếu từ phía bên cạnh, cách chỗ ngồi làm việc 60cm. Thiết kế chiếu sáng cho 1 phòng học nên có luồng ánh sáng thuận tay viết và cầm sách tránh tạo nên các bóng khiến gây khó khăn cho việc học.

Chọn màu ánh sáng đèn khi thiết kế chiếu sáng cho một phòng học cần lưu ý sao cho đảm bảo về hiệu ứng ánh sáng, tăng sức sáng tạo nhưng không ảnh hưởng tới khả năng quan sát của người dùng. Đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn ánh sáng phòng học, phòng làm việc để bảo vệ đôi mắt và giúp tăng hiệu quả, sáng tạo hơn khi sử dụng không gian này.

Đối với nhà vệ sinh

Phòng vệ sinh, phòng tắm là nơi thường xuyên được sử dụng trong không gian nhà ở nhưng lại thường ít được chăm chút, bố trí ở những nơi mang tính chất tận dụng, ít lấy được ánh sáng tự nhiên, ẩm thấp. Do đó, nếu bạn muốn thiết kế một không gian phòng tắm, vệ sinh thoải mái đừng quên cách tạo ánh sáng nhà vệ sinh đẹp và tiện dụng.

Nên ưu tiên ánh sáng phòng vệ sinh, phòng tắm có màu trắng bao gồm là ánh sáng mặt trời tự nhiên và bố trí đèn phòng tắm màu trắng.

Bố trí đèn nhà vệ sinh cũng nên lưu ý đặt ở vị trí ngang tầm mắt khi bạn ngồi vào bàn trang điểm hoặc cao hơn sàn nhà từ 1,5m đến hơn 1,6m, dao động tùy theo vị trí cũng như kích cỡ của gương soi. Công suất đèn chiếu sáng nhà vệ sinh ít nhất là 150w.

Nếu có bồn tắm nhỏ, có vách ngăn kính thì nên sử dụng chung đèn với khu vực vệ sinh và lắp đặt cố định trên trần nhà là tốt nhất.

Nếu thích trang trí phòng tắm có thể chọn đèn có điện áp thấp, nhỏ gọn hay yêu cầu cường độ chiếu sáng lớn thì nên chọn đèn halogen nhưng lưu ý đến khả năng tỏa nhiệt. Hoặc có thể sử dụng đèn chiếu sáng trang trí vào 1 khu vực nhất định của phòng tắm, nhà vệ sinh giúp tăng tính thẩm mỹ.

Kiểu đèn âm trần cũng rất hợp với nhà vệ sinh thiếu ánh sáng tự nhiên, cần sự kín đáo, không có cửa sổ, không gian mở thông với bên ngoài.

Tóm lại, để không gian ngôi nhà sử dụng triệt để ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo, đòi hỏi kiến trúc sư phải lên ý tưởng từ trước, để bố trí ánh sáng sao cho phù hợp nhất. Từ đó mới đưa ra bản thiết kế nội thất với bố trí cửa, lối đi và các loại đèn hợp lý nhất. Một thiết bị chiếu sáng không tốt có thể làm hỏng không gian hay thiết kế không hợp lý, sẽ gây lãng phí và khó khăn cho người sử dụng.

Để lại nhận xét của bạn

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN THIẾT KẾ

Yêu cầu tư vấn của Bạn sẽ được gửi tới Kiến Trúc Sư SmallHome sẽ trả lời sớm nhất có thể thông qua Email, điện thoại.

Gợi ý viết yêu cầu: Địa chỉ khu đất, diện tích đất, mặt tiền, chiều dài. Loại hình bạn lựa chọn (biệt thự, nhà phố …) Bạn định xây mấy tầng. Mỗi tầng bạn yêu cầu các phòng nào, không gian nào. Số tiền dự kiến ...