20 PHONG CÁCH THIẾT KẾ ĐƯỢC YÊU THÍCH NHẤT
Phong cách thiết kế là một trong những điều đầu tiên bạn cần xác định cho ngôi nhà của mình trước khi bắt đầu vào thiết kế và xây dựng. Hiện nay, cùng với nhu cầu sinh sống đa dạng hơn, các phong cách thiết kế nội thất mới và lạ cũng được nhiều gia đình quan tâm. Chính vì điều đó, ở bài viết này, Smallhome sẽ tổng hợp hơn 20 phong cách thiết kế nội thất phổ biến nhất hiện nay dành cho các bạn tham khảo.
1. Phong cách thiết kế truyền thống
Phong cách này vẫn được yêu thích bởi nó mang nét truyền thống văn hóa của dân tộc, phù hợp với những người thích sự cổ kính, yên bình. Nếu lựa chọn phong cách thiết kế nội thất truyền thống gia chủ phải xác định mình có đủ điều kiện không gian thoáng rộng. Bởi đồ nội thất chủ yếu là tông màu trầm tối, kiểu dáng khá “đồ sộ” nên muốn tạo không gian sinh hoạt thuận tiện, thoải mái và sang trọng yêu cầu không gian phải rộng rãi, thông thoáng.
Phong cách thiết kế truyền thống
Không gian ngôi nhà Việt đề cao yếu tố tự nhiên. Các ô của kính lớn giúp các không gian trong nhà có cảm giác hòa nhập với thiên nhiên nhưng hoàn toàn tách biệt bởi sắc thái đối lập. Bên ngoài sôi động, tràn đầy năng lượng, bên trong yên bình, tĩnh tãi đem đến những giây phút tận hưởng tuyệt vời, đầy thư thái.
2. Phong cách thiết kế indochine ( Đông dương )
Phong cách Indochine là sự kết hợp vừa tinh tế vừa nổi bật giữa niềm hoài cổ của truyền thống Á Đông và sự lãng mạn, hiện đại của kiến trúc Pháp.
Phong cách thiết kế indochine ( Đông dương )
Sắc màu trung tính được sử dụng cho toàn bộ nội thất của phong cách thiết kế Indochine, bao gồm các màu: vàng nhạt, vàng kem, trắng đã tạo nên cảm giác thoải mái phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam.Ngoài ra, không gian nội thất Đông Dương còn trang bị các vật dụng bằng gỗ, tre, mây,…đậm chất Á Đông và mang đến sự gần gũi, thân thiết cho tất cả mọi người.Trong phong cách nội thất Đông Dương, gạch bông, gạch nung thường được sử dụng để lát sàn đã tạo nên vẻ đẹp sang trọng nhưng không kém phần tinh tế cho không gian.Họa tiết hoa văn xuất hiện từ thời Đông Sơn với những đường nét kỷ hà đơn giản cách điệu từ hoa lá. Với cách thể hiện tinh tế và tỉ mỉ đến thời An Nam thì các họa tiết được tổng hợp và cách điệu từ những hình ảnh khác như hình chữ nhật, hình kỷ hà, hình tĩnh vật, hình hoa lá,…mang đậm bản sắc Việt Nam và thể hiện tính nghệ thuật rất cao.
3. Phong cách thiết kế chiết trung hay Eclectic
Phong cách chiết trung hay Eclectic là phong cách kết hợp, là sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa phong cách phương Đông với phương Tây, giữa sự đơn giản và sang trọng và giữa sự khoa trương với khiêm tốn,… Phong cách này khuyến khích mọi người sử dụng những yếu tố mà họ thích, đề cao thẩm mỹ cá nhân nhưng không quá phóng khoáng, tự do trong mọi vật liệu, hình dáng, kết hợp nhưng không phải là “tạo ra một mớ hỗn độn”.
Phong cách thiết kế chiết trung hay Eclectic
Đối lập nhưng phải khoa học và nguyên tắc, kết hợp khéo léo giữa các phong cách để tạo sự hòa hợp tuyệt đối. Mỗi chi tiết trong tổng thể đều mang sự khác biệt riêng nhưng chúng không bị quá mờ nhạt hay quá nổi trội, bởi tính cân bằng, chúng trở nên hòa hợp, mới lạ và vô cùng đặc biệt. Màu sắc trong phong cách chiết trung rất thoải mái, bạn không hề bị bó buộc trong vấn đề lựa chọn, bởi hầu như không có một nguyên tắc nào quy định trong vấn đề này. Do vậy, việc sử dụng màu sắc sẽ phụ thuộc hoàn toàn bởi sở thích cá nhân, bạn có thể pha trộn các tông màu theo công thức của riêng mình, hay kết hợp các tone màu trong cùng một phối cảnh, miễn sao bạn thấy hài lòng và chỉ cần tránh mất gây thiện cảm. Phong cách nội thất chiết trung thể hiện điểm nhấn của mình bởi sự “khác biệt” độc đáo. Nét quyến rũ của phong cách này chính là đến từ những yếu tố bất ngờ, đây là không gian rất tốt giúp bạn thoải mái thể hiện phong cách cá nhân của mình.
4. Phong cách thiết kế Farmhouse hay còn gọi đồng quê
Nhắc đến phong cách nhà ở trang trại chính là nói đến sự mộc mạc, tự nhiên và khá truyền thống. Phong cách farmhouse là một phong cách đặc biệt khi thể hiện tình yêu với đất, hoa màu và không gian đồng quê yên vắng.
Phong cách thiết kế Farmhouse hay còn gọi đồng quê
Gỗ tối màu và tông màu tường sáng là phong cách rất dễ nhận diện của farmhouse. Những món đồ nội thất gỗ sẽ mang lại sự phong phú và gần gũi cho không gian sống. Đôi khi những vết xước trong quá trình sử dụng phần nào truyền tải một phần lịch sử của ngôi nhà. Đừng e ngại khi đưa gỗ vào không gian sống của bạn. Sự mộc mạc và giản dị của nó sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn trong một không gian hoài cổ. Phong cách farmhouse không cầu kỳ và kén chọn. Bên cạnh nội thất gỗ, một loại vật liệu khác cũng được ưu ái là chất liệu vải bọc đệm, rèm cửa, thảm trong nhà được may tay hoặc truyền lại từ đời ông bà. Đặc biệt với phong cách farmhouse, gian bếp là trái tim của một ngôi nhà theo phong cách này. Điểm nhấn cho nó là bồn rửa, vòi nước và tủ bếp. Bồn rửa theo phong cách farmhouse thường được làm bằng sứ, kim loại hoặc bọc gỗ trạm trổ hoa văn cổ. Những bồn rửa kiểu này có dáng vuông cạnh, được đặt trên bàn bếp thành một khối.
5. Contemporary hay còn gọi là phong cách thiết kế nội thất đương đại
Phong cách xuất phát từ quan niệm về cuộc sống hiện tại mà không suy tư tới quá khứ và tương lai. Với thiết kế mạnh mẽ, những bề mặt phẳng tự nhiên, tối thiểu phụ kiện, phá vỡ các nguyên tắc thiết kế xưa cũ…
Contemporary hay còn gọi là phong cách thiết kế nội thất đương đại
- Đặc điểm đầu tiên và là cơ bản nhất để nhận dạng nội thất Contemporary là các đường nét đơn giản và bề mặt trơn. Các đường nét được thiết kế thẳng, hoặc cong nhẹ với bảng màu phong phú từ tone sáng đến tối. Bên cạnh đó, nhờ vào sự đơn giản của các đường nét nên việc sử dụng các vật liệu cũng trở nên đa dạng hơn, tạo được sự độc đáo, sáng tạo trong không gian nội thất.
- Sử dụng trần cao, cửa sổ lớn đụng trần và không gian mở trong kiến trúc để tạo thành các khối hình học trong trang trí. Không gian cho các đồ vật trở nên quan trọng, vì ít tức là nhiều. Mỗi vật thể đứng riêng như những cá thể riêng biệt và độc lập.
- Vật liệu sử dụng trong phong cách Contemporary này phải thực sự nổi bật và độc đáo. Kim loại sáng màu như chrome, nickel và inox rất quan trọng và được sử dụng phổ biến trong trường phái này.
6. Phong cách thiết kế Industrial ( phong cách công nghiệp )
Nói về phong cách nội thất công nghiệp chính là nói về sự đơn giản, thô sơ và quay về những điều cơ bản. Nếu như những phong cách thiết kế khác cố gắng che đi những khuyết điểm thô mộc thì phong cách Industrial khuyến khích điều đó, nó gọt bỏ đi những thứ rườm rà, xa hoa và chỉ chắt lọc lại những gì thuần túy và cần thiết nhất cho không gian sống.
Phong cách thiết kế Industrial ( phong cách công nghiệp )
- Đặc điểm chính để nhận diện phong cách Industrial chính là những bức tường thô, những bức tường ốp gỗ tự nhiên, hay những bức tường bê tông mài,…tất cả đã tạo nên một không gian công xưởng giả lập bằng sự đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, thu hút.
- Đồ nội thất thường được sử dụng những tông màu tối, sẫm. Các vật liệu bằng kim loại cũng được tô đen để tạo nên sự khỏe khoắn. Ngoài ra, trong thiết kế phong cách Industrial cũng hay sử dụng đồ bọc da như ghế đôn, hay ghế sofa,…
- Chiếc cầu thang có lẽ và vật mọi người thường thấy nhất ở phong cách Industrial, nó được sử dụng để kết nối gác xép và tầng dưới. Thông thường cầu thang được làm từ chất liệu gỗ hoặc được làm từ kim loại, sau đó phủ sơn đen và các bậc thang thường được làm nhám để tránh trơn, trượt khi di chuyển.
7. Phong cách nội thất cổ điển hay còn gọi Classic (Classic Reinterpreted Style)
Phong cách nội thất Classic (Classic Reinterpreted Style) là phong cách tạo sự đột phá trong các thiết kế cổ kính truyền thống từ thời xưa, khác với phong cách cổ điển theo các thiết kế hoa văn cầu kỳ của châu Âu mà từ trước đến nay mọi người vẫn đang hiểu nhầm.
Phong cách nội thất cổ điển hay còn gọi Classic (Classic Reinterpreted Style)
Phong cách chỉ mang hơi hướng và tổng hợp những nét đẹp từ các thiết kế cổ kính xa xưa, kết hợp thêm những chi tiết hiện đại để tạo nên sự nhẹ nhàng, thanh lịch cho không gian thiết kế.
Trong phong cách thiết kế nội thất classic, yếu tố được chú trọng nhất chính là tính đối xứng. Nếu bước vào một không gian được thiết kế theo phong cách nội thất classic, bạn sẽ nhìn thấy được sự sắp xếp cân đối và đẹp đến hoàn hảo. Các phong cách theo xu hướng cổ điển không thể thiếu đi những đường nét uốn lượn, phào chỉ, hoa văn cầu kì chi tiết và hầu như không có sự xuất hiện của các chi tiết góc cạnh quá vuông vức. Đồ nội thất và vật liệu trong phong cách này, mang dáng dấp, phản phất hình ảnh của những thập kỉ, thế kỉ trước. Chúng thường được làm từ chất liệu cao cấp như gỗ, đá hoa cương, da, nỉ…
8. Phong cách thiết kế Tân cổ điển (Neo-Classical Interior).
Trong suốt thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, phong cách nội thất tân cổ điển (Neo-Classical Interior) đã phát triển và thống trị toàn bộ kiến trúc ở Châu Âu. Tân cổ điển chú trọng nhiều đến sự đơn giản, cân đối trong các đường nét thiết kế. Tuy nhiên, chúng vẫn mang lại cho căn hộ một vẻ đẹp thanh lịch, sang trọng, đầy quý phái từ năm này sang năm khác.
Phong cách thiết kế Tân cổ điển (Neo-Classical Interior).
Phong cách tân cổ điển theo nghĩa dễ hiểu là quá trình lược bỏ các chi tiết cầu kỳ, khá rườm rà của thiết kế nội thất cổ điển và có sự giản đơn trong việc hình thành các hoa văn, họa tiết.
Đồ nội thất của phong cách tân cổ điển không quá nặng nề như bạn nghĩ. Chúng có thể phù hợp với cả những căn hộ có diện tích khiêm tốn mà vẫn giữ được nét sang trọng, lộng lẫy.
9. Phong cách thiết kế Japandi
Phong cách Japandi là sự kết tinh giữa những nét đặc sắc nhất của hai phong cách: Nhật Bản trang nhã, tinh tế và Scandinavian lịch lãm, hiện đại. Sự kết hợp độc đáo này tạo thành phong cách Japandi ấm áp, và thoải mái so với phong cách tối giản trước đây.
- Scandinavian mang trong mình hơi hướng nhẹ nhàng, sang trọng nhưng hết sức đơn giản. Còn phong cách Nhật Bản thì luôn gắn liền với chủ nghĩa đơn giản và khổ hạnh (asceticism). Vì thế cả hai đều hướng tới sự đơn giản, công năng của nội thất hơn là trang trí.
- Phong cách Japandi vô cùng hoàn hảo khi được sở hữu điểm tương đồng của 2 phong cách: đơn giản, không sử dụng nhiều đồ nội thất nhưng mỗi loại đều có công năng cao và nhiều điểm nhấn ấn tượng.
Phong cách thiết kế Japandi
- Các chất liệu như vải gỗ hay đất sét sẽ không được xử lý quá nhiều, để giữ nguyên nét đẹp thuần, dung dị, tự nhiên. Đặc biệt trong nhà sẽ không chứa quá nhiều nội thất nhằm đảm bảo sự thông thoáng.
- Ngoài ra, vẻ đẹp của bảng màu gần gũi thiên nhiên sẽ tạo ra sự dễ chịu, mang lại cảm giác thanh thản, bình yên cho gia chủ.
- Điều làm nên sự khác biệt của phong cách Japandi với phong cách Scandinavian chính là sự mạnh mẽ đến từ những mảng màu đen kết hợp với ánh sáng tự nhiên. Các đồ nội thất màu sáng sẽ được mix match với các món đồ nội thất màu đen theo tỷ lệ 70-30, vừa tạo ra vẻ ngoài yên bình mà cũng thật bí ẩn.
10. Phong cách thiết kế Rustic.
Ra đời và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ XX, phong cách Rustic là một trong các phong cách thiết kế mang đậm nét giản dị, mộc mạc với toàn bộ nội thất bên trong được trang bị rất hiện đại. Rustic giúp bạn có được sự ấm áp, cảm giác thoải mái, thanh lịch và tao nhã cho không gian sống của bạn.
Phong cách thiết kế Rustic
- Một bức tường đá cũ, một chiếc lò sưởi đá hay một chiếc xà rầm bằng gỗ kết hợp cùng một chút nội thất châu Âu cho không gian và bạn sẽ không khỏi thích thú khi ngắm nhìn chúng. Phong cách Rustic mang hơi thở nhẹ nhàng, trầm lặng nhưng không kém phần hiện đại.
- Màu sắc được chọn cho phong cách Rustic thường có xu hướng dịu nhẹ, ít được mài giũa nhiều. Phong cách này hướng đến tự nhiên nên màu sắc thường có phần đơn giản. Nó thường sử dụng màu ghi, xanh của đá; màu nâu trần, vàng nhạt từ gỗ.
- Lò sưởi là vật dụng không thể thiếu cho phong cách kiến trúc Rustic. Bởi lò sưởi mang đến sự yêu thương, ấm áp, giúp bạn có những giây phút thư giãn nhất. Nếu chọn lò sưởi để đặt ở nhà thì bạn nên chọn chiếc lò sưởi được sử dụng bằng củi đốt, như thế sẽ phù hợp với phong cách Rustic hơn.
Phong cách Scandinavian (còn có tên gọi khác là Bắc Âu) là phong cách có sự kết hợp cân bằng giữa 3 yếu tố: vẻ đẹp – tối giản – chức năng tiện dụng. Hiện nay, phong cách này rất được ưa chuộng bởi sự giản dị, ấm áp, thông thoáng tạo cho không gian sống đầy sự thoải mái.
Phong cách thiết kế Scandinavian
Gỗ là vật liệu luôn luôn xuất hiện trong phong cách nội thất Bắc Âu. Loại gỗ được sử dụng phổ biến nhiều nhất là gỗ tếch.
Màu sắc là điểm sáng trong Scandinavian design với tông màu trắng làm chủ đạo. Gam màu trắng hiện lên như màu của tuyết, cho người ta cảm giác về sự cơi nới chiều cao. Từ đó, nó có khả năng tương phản ánh sáng, rất thích hợp cho mùa đông bởi mùa này thường sẽ bị thiếu sáng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kết hợp màu trắng với các hệ màu khác: màu kem, đen, xám nhẹ, xanh ngọc,… để giúp phần đơn điệu của không gian được giảm bớt và tăng thêm phần trẻ trung. Nhẹ nhàng và trung hòa thị giác là tiêu chí khi có mong muốn thiết kế không gian theo phong cách Bắc Âu đẹp.
Ánh sáng là yếu tố quyết định cho các thiết kế nội thất phong cách châu Âu. Đối với Scandinavian thì lại càng quan trọng gấp nhiều lần. Để lấy các nguồn sáng tự nhiên, hầu hết các thiết kế phong cách Bắc Âu đều kết hợp giữa hệ thống khung cửa sổ rộng với mảng rèm mỏng có màu trắng.
12. Phong cách hiện đại
Trong lĩnh vực thiết kế nội thất, phong cách Hiện Đại luôn là lựa chọn hàng đầu của các gia chủ. Không chỉ thể hiện chất “hiện đại”, cá tính của nhà, mà còn góp phần lớn giúp cải thiện không gian, xóa bỏ điểm hạn chế trong thiết kế thô, nhấn mạnh vẻ đẹp thẩm mỹ và tính công năng của ngôi nhà.
Phong cách hiện đại
Modern Style ưa chuộng các gam màu trung tính như trắng, đen, xám, màu be..làm tôn lên vẻ sang trọng, phóng khoáng đậm chất thành thị.
Đặc trưng của phong cách thiết kế nội thất Hiện đại là:
- Thiết kế đơn giản, bố trí gọn gàng
- Chú trọng đến công năng hơn tính thẩm mỹ
- Tránh việc trang trí quá nhiều họa tiết rườm rà
- Sử dụng tối thiểu các đồ vật trang trí , màu sắc thường là trung tính
- Sự cân bằng không đối xứng trong nội thất và trang trí
13. Phong cách thiết kế Mid-century modern ( Cận đại )
Mid-century modern, tên của phong cách này chắc chắn khá xa lạ đối với đa số các bạn. Trong thực tế, bạn vẫn thường hay nói về phong cách này mà bạn không nhận biết. Mid-century modern ra đời tại Mỹ vào những năm 1930 – 1960, giai đoạn giữa của thế kỷ 20.
Phong cách thiết kế Mid-century modern ( Cận đại )
Những điểm nhấn nổi bật của Mid-century modern:
- Đề cao đường nét thẳng, gọn gàng trong thiết kế
- Mang một chút màu sắc cổ điển nhưng không cầu kỳ hay phô trương
- Yếu tố trang trí được sử dụng ở mức tối thiểu
- Kết hợp đa dạng các vật liệu khác nhau, đôi khi tương phản
- Đặc biệt, phong cách còn tập trung vào việc tạo ra sự chuyển đổi liền mạch nhất giữa không gian bên ngoài và bên trong ngôi nhà. Do đó, cửa sổ bằng kính lớn, nối liền trực tiếp từ trần với sàn nhà hay được nhìn thấy trong phong cách này
14. Phong cách Art Deco
Phong cách Art Deco là một trường phái nghệ thuật và trang trí mang đậm tính chiết trung, được hình thành tại Paris vào những năm 1920 và bắt đầu lan rộng ra thế giới vào những năm 1930. Phong cách này ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong thiết kế bao gồm kiến trúc, thiết kế nội thất, thời trang,.. và các môn nghệ thuật thị giác như hội họa hay điện ảnh.
Phong cách Art Deco
Những đặc trưng của phong cách nội thất Art Deco
- Cành hoa lá kết hợp với da thú
- Hình tứ giác góc cạnh
- Hình ảnh mô hình động vật cách điệu
- Góc nhọn trong hình học, hay hình ảnh của những tòa cao ốc cách điệu
- Họa tiết quân đội và họa tiết zigzac
- Màu sắc của phong cách Art Deco thường là những màu đậm và có tính tương phản cao như màu vàng (vàng sáng hay retro), màu đỏ, xanh lá cây, xanh da trời, hồng pha bạc, đen và các màu ánh kim khác.
- Nếu bạn yêu thích phong cách nhẹ nhàng và mềm mại hơn thì màu kem hay màu be là sự lựa chọn tốt nhất cho căn hộ 2 phòng ngủ của bạn. Ngoài ra, các màu sắc tương phản với độ bóng của gỗ và nội thất sơn mài cũng thường được sử dụng trong phong cách này.
15. Phong cách thiết kế Bohemian
Phong cách Bohemian (còn được gọi là Boho hay Boho Chic) bắt nguồn từ cộng đồng người Bohemia (Gypsy), được biết đến khoảng thế kỷ 19, Bohemian được du nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống một cách nhanh chóng, cả trong lĩnh vực thời trang, nghệ thuật cho đến kiến trúc và nội thất.
Nội thất Bohemia phù hợp cho những người yêu thích màu sắc rực rỡ, họa tiết bắt mắt, chất liệu giản đơn. Một không gian Bohemian mộc mạc, phóng khoáng đã tạo nên cơn sốt đối với giới trẻ - những người luôn tìm kiếm sự mới lạ, phá cách. Phong cách nội thất Bohemian thực sự lộn xộn, nhưng lại lộn xộn trong giới hạn của nó! Và sự phá cách chính là đặc trưng của phong cách này. Nội thất Bohemian đề cao sự Tự Do, thể hiện cá tính cá nhân thay vì chuẩn mực xã hội. Với phong cách Bohemian, mọi người có thể “điên loạn” theo cách của họ.
Phong cách thiết kế Bohemian
Đặc trưng của phong cách Bohemian tập chung chủ yếu vào chất liệu và màu sắc nội thất.
- Chất liệu vải mềm được chọn làm vật liệu trang trí chính trong căn phòng Bohemian bởi đây là loại vật liệu tuyệt vời, truyền tải được sự bay bổng, phóng khoáng của những gia chủ yêu phong cách nội thất Bohemian. Chất liệu vải gợi lên nét cổ điển, một chút lãng mạn, chút quyến rũ và một chút cầu kỳ nhưng lại không quá rườm rà, tạo nên một không gian thư thái, dễ chịu.
- Màu sắc trong phong cách Bohemian là sự pha trộn của nhiều gam màu, có thể nói đây là hong cách sử dụng các màu sắc trong trang trí đa dạng nhất.
- Những vẻ đẹp không thể thiếu trong không gian Bohemian đó là nét lãng mạn cộng thêm chút hoang dã. Đây cũng là những yếu tố không thể thiếu trong một căn phòng mang phong cách nội thất Bohemian. Phong cách này cũng đặc biệt phù hợp với khí hậu mùa hè, thời tiết nắng gió làm cho không gian Bohemian thêm phần rực rỡ và tràn đầy sức sống.
16. Phong cách thiết kế ven biển (Coastal)
Coastal Style (phong cách ven biển) là một phong cách thiết kế nội thất đa dạng. Lấy cảm hứng từ biển cả, mà khởi nguồn của nó là những ngôi nhà ven bờ biển Đại Tây Dương. Biển luôn gợi lên cảm giác về sự yên bình, thanh thản trong mỗi chúng ta.
Phong cách thiết kế ven biển (Coastal)
Phong cách ven biển (Coastal) là một phong cách phóng khoáng mang vẻ đẹp của phong cách cá nhân. Nhẹ nhàng, thân thiện, đầy quyến rũ và đem lại cho chúng ta cảm giác như được nghỉ ngơi, thư giãn giữa sự hỗn loạn, bộn bề của cuộc sống hiện tại. Không có gì khó hiểu khi chúng ta luôn muốn mang cảm giác tuyệt vời đó vào trong không gian sống của mình. Bên cạnh đó, phong cách Coastal chủ yếu được áp dụng trong thiết kế nội thất cho resort, biệt thự…
- Cuộc sống ở những vùng ven biển mang đến sự thoải mái, thư thái, không cầu kì. Vì vậy nội thất theo phong cách ven biển này cũng phản ánh tâm trạng đó. Hàng dệt may và vật liệu bề mặt rất đơn giản, tự nhiên và bền. Màu xanh ngọc, xanh biển, trắng, và màu be gợi sự liên tưởng tới những sắc màu của cát và nước biển. Những tín hiệu của đại dương, chẳng hạn như vỏ sò, san hô và các loại sinh vật biển sẽ góp phần tạo nên một không gian ven biển hoàn hảo. Những mô tả trên đã dần trả lời cho câu hỏi không gian Coastal style là gì?
17. Phong cách thiết kế nhiệt đới (Tropical style)
Phong cách nhiệt đới (Tropical style) là một phong cách thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ những vùng đất miền nhiệt đới, với màu xanh bất tận của biển, trời, rừng cây nhiệt đới,… Một không gian được thiết kế theo phong cách nhiệt đới sẽ mang bầu không khí yên tĩnh, thanh bình của một hòn đảo thiên đường.
Phong cách này đặc biệt hơn so với những phong cách thiết kế nội thất khác ở điểm là nó sử dụng gam màu xanh lá cây là chủ đạo và đa phần sẽ dùng họa tiết từ thiên nhiên như: lá cọ, lá dừa. Thoải mái, thư giãn, gần gũi là tất cả cung bậc cảm xúc mà phong cách Tropical trong thiết kế nội thất mang đến cho không gian sống của bạn.
Phong cách thiết kế nhiệt đới (Tropical style)
- Thiết kế nội thất phong cách Tropical thường dùng màu chủ yếu là màu xanh. Màu xanh ở đây là xanh của trời, của biển, của lá, của cây,… Bạn có thể tùy ý phối màu sắc với nhau trong phong cách nhiệt đới, có khi là những màu tươi sáng, nhẹ nhàng, đôi lúc lại là các màu khá đậm, sắc nét.
- Hầu hết các chất liệu tạo nên phong cách Tropical trong thiết kế nội thất đều có nguồn gốc tự nhiên, từ tơ lụa, liễu giai, cỏ biển đến mây, gỗ tếch. Những chất liệu này có nhiều tiện ích khi sử dụng và mang tính thẩm mỹ cao. Khi thiết kế, bạn nên lưu ý một số chi tiết nhỏ để không gian nhiệt đới của bạn được hoàn hảo hơn. Có thể kể đến những chi tiết như: mái chèo, những ngọn đuốc, các loài chim nhiệt đới, loài bò sát, cá hay chỉ đơn thuần là một chiếc võng
18. Phong cách thiết kế Colour Block
So với các phong cách nội thất khác, Color block ra đời muộn hơn, chỉ mới xuất hiện cách đây gần một thập kỷ. Color block vốn dĩ bắt đầu từ lĩnh vực thời trang, tuy nhiên để bắt kịp xu hướng, các kiến trúc sư đã linh hoạt ứng dụng vào thiết kế nội thất, tạo sự mới lạ cho không gian sống. Tuy còn mới song phong cách này đã tạo được ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, nhất là với giới trẻ.
Phong cách thiết kế Colour Block
Hiểu một cách đơn giản, Color block là xu hướng thiết kế sử dụng quy tắc kết hợp từ 2 khối màu trở lên trong cùng một không gian hoặc trên cùng một món đồ, thiết bị nội thất. Thông thường, các khối màu sẽ được sắp xếp đồng màu hoặc đối lập để hỗ trợ và làm nổi bật vẻ đẹp của đường nét nội thất. Phong cách này được đánh giá là lựa chọn tối ưu để kiến tạo không gian sống đậm chất nghệ thuật, thể hiện cá tính cũng như gu thẩm mỹ của gia chủ.
- Đúng như tên gọi, đặc trưng cơ bản, xuyên suốt phong cách Color block chính là cách sử dụng các khối màu sắc tương phản để làm nổi bật vẻ đẹp của đường nét nội thất.
- Chịu ảnh hưởng trực tiếp của xu hướng thời trang Color block nên phong cách này chú trọng các khối màu, hình học đa sắc, sử dụng theo mảng lớn nhằm tạo ra các nhóm màu rực rỡ tương phản nhau, gây ấn tượng thị giác ngay lập tức và tạo bầu không khí tươi vui, năng động.
19. Phong cách thiết kế Wabi Sabi
Phong cách Wabi Sabi bắt đầu nhen nhóm từ khoảng thế kỷ XII – XIV. Đây là phong cách không hướng con người đến không gian sống hoàn mỹ nhưng giúp họ tìm thấy được hạnh phúc gói gọn trong những vẻ đẹp nguyên sơ, thô vụng. Trong cuộc sống hiện đại, có thể nhận ra triết lý Wabi Sabi hiện diện khá phổ biến trong kiến trúc và thiết kế nội thất. Wabi Sabi thường được kết hợp với các phong cách khác như: Bắc Âu, Đồng quê, Zen (thiền) hay Tối giản.
Phong cách thiết kế Wabi Sabi
Wabi Sabi từ chối tất cả những gì tô vẽ, bày biện không cần thiết. Họ sẽ hướng sự tập trung của con người đến những vật dụng thực sự cần thiết, mục đích là để tâm trí không còn bị thao túng bởi vật chất. Đặc biệt, trong phong cách Wabi Sabi thì sẽ đề cao sự bền bỉ và hữu dụng của các đồ vật. Với một ngôi nhà Wabi Sabi tập trung vào công năng thì nên được bày biện đơn giản, mộc mạc và mang vẻ đẹp thô sờn theo thời gian.
20. Phong cách thiết kế Minimalism
Phong cách Minimalism thu hút bởi sự đơn giản và tinh tế mà nó mang lại. Nội thất mang đường nét tối thiểu, ít chi tiết, và giảm đối đa số lượng, đặc biệt mọi chi tiết đều mang những ý nghĩa nhất định nhằm tạo ra không gian hài hòa và thông thoáng nhất.
Phong cách thiết kế Minimalism
Phong cách tối giản trong nội thất vô cùng thịnh hành ở châu Âu – cái nôi của nội thất thế giới. Phong cách này còn ảnh hưởng trực tiếp đến các xu hướng, phong cách nội thất khác của các nước Bắc Âu từ thập niên 90 đến nay, và còn lan rộng đến các nước ở Châu Mỹ.
Trên đó là tổng hợp các phong cách thiết kế nội thất mà Smallhome muốn gửi đến các bạn để tham khảo. Hy vọng với những chia sẻ của bài viết bạn đã biết được có bao nhiêu phong cách thiết kế nội thất? Và nó sẽ giúp gia đình bạn tìm được một phong cách thiết kế phù hợp nhất cho không gian nhà của mình. Nếu cần được báo giá thiết kế nội thất, Smallhome chúng tôi luôn sẵn lòng tư vấn cho các bạn.